Thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong hoạt động giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng tư tưởng đối với học viên hiện nay. Đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào mỗi bài giảng sẽ góp phần định hướng về tư tưởng chính trị; khắc phục những nhận thức sai lệch khi tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; tăng cường tính chiến đấu của mỗi bài giảng.
Bài Công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng thuộc học phần Xây dựng Đảng của khối kiến thức Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được xây dựng với nội dung khá toàn diện về công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng: từ lý luận chung về công tác dân vận: khái niệm, nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận; đánh giá thực trạng công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng hiện nay… đến xác định những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường và đổi mới công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng hiện nay…
Tuy nhiên, công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng là công tác cụ thể của tổ chức cơ sở Đảng nhằm giải quyết vấn đề tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, hệ thống chính trị với nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân là nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Gắn bó với nhân dân, được nhân dân ủng hộ là cội nguồn sâu xa thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân điều đó đặt ra yêu cầu cần làm tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch khi giảng dạy nội dung về công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng.
Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của công tác dân vận và nội dung bài giảng, theo chúng tôi, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thù địch trong bài công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vai trò của công tác dân vận của Đảng
Từ thực tiễn nghiên cứu các phong trào cách mạng, các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đánh giá rất cao về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản; nhân dân là lực lượng cách mạng to lớn của cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đó, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của Đảng Cộng sản là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã phát triển sáng tạo quan điểm về Đảng Cộng sản. Trong đó, người xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp, đảng của dân tộc Việt Nam; ngoài lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Gắn bó mật thiết với nhân dân là vấn đề có liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, sự tồn tại và phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong”[1]. Với Đảng, “nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”[2]. Bởi vậy, “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”[3].
Từ kinh nghiệm thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân . Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[4].
Công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, trong giảng dạy, đặt ra yêu cầu quán triệt ý nghĩa của công tác dân vận ở tổ chức cơ sở Đảng; phê phán quan điểm coi nhẹ công tác dân vận của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, quán triệt nhận thức toàn diện, đầy đủ về nội hàm, chủ thể, đối tượng, nội dung của công tác dân vận của Đảng
Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng là toàn bộ các hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ đảng, chính sách của chính quyền địa phương ở cơ sở và để chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Chủ thể công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng là đảng bộ, chi bộ cơ sở. Chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là các chủ thể thực hiện công tác dân vận theo chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Mục đích của công tác dân vận là nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về quyền lợi và trách nhiệm của công dân; là nhằm tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền cơ sở với nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước nói chung, với tổ chức đảng, chính quyền cơ sở nói riêng; là để tập hợp, tổ chức, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nứớc để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Đối tượng của công tác dân vận: Là tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và nhân dân ở cơ sở. Một số nhóm là đối tượng của công tác dân vận nhưng đồng thời cũng là chủ thể có trách nhiệm làm công tác dân vận, như: đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…
Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nhằm xây dựng một xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là xã hội đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân. Vì vậy, công tác dân vận phải quan tâm đến mọi người dân; mọi đối tượng trong xã hội. Công tác dân vận không bỏ sót bất cứ đối tượng nào, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Trong giảng dạy, cần nhấn mạnh đến nội dung rất quan trọng của công tác dân vận đó là việc chăm lo đời sống nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở việc lắng nghe nhân dân nói, hiểu và chia sẻ với nhân dân là việc làm vô cùng quan trọng. Bởi vì, cán bộ cấp cơ sở là những người trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với dân; là cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đông đảo nhân dân sẽ mãi gắn bó, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ủng hộ các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống chính trị khi họ nhận thấy mình thực sự được quan tâm, mình thực sự làm chủ đất nước. Công tác dân vận của mỗi cấp ủy đảng cơ sở cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ nội dung nhằm quan tâm đến nhân dân; thực sự coi trọng nhân dân. Nhân dân là mục tiêu của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời nhân dân cũng là lực lượng cách mạng to lớn của sự nghiệp cách mạng. Để thực hiện tốt nội dung này, mỗi cán bộ, giảng viên cần phải hiểu đúng và đầy đủ về chủ thể và đối tượng, mục đích, nội dung, phương pháp, của công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng. Trong bài giảng cần có quan điểm phê phán thái độ coi nhẹ công tác dân vận của một số cấp ủy đảng: coi công tác dân vận là của cơ quan chuyên trách (cán bộ phụ trách công tác dân vận); chỉ dừng lại ở việc hô hào, vận động nhân dân; không biết lắng nghe ý kiến nhân dân; không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thậm chí có thái độ không đúng mực đối với nhân dân… Đó là những biểu hiện đi ngược lại với với công tác dân vận của Đảng; làm tổn hại đến mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” để cho các thế lực thù địch thực hiện các hành vi chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết trong Đảng, giữa Đảng, hệ thống chính trị với nhân dân.
Thứ ba, công tác dân vận phải được tiến hành đồng thời với công tác khác của tổ chức cơ sở Đảng như lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát… đặc biệt, là việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể.
Trong khi đề cập tới các giải pháp của công tác dân vận, không thể không đề cập đến mối quan hệ tổng thể giữa công tác dân vận và các công tác của tổ chức Đảng ở cơ sở. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các nội dung này thì công tác dân vận khó đạt được hiệu quả. Bởi lẽ, công tác dân vận liên quan đến đối tượng đông đảo là quần chúng nhân dân, sự phối hợp tổng thể này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp lan tỏa những cái tốt đẹp, đấu tranh chống cái xấu trong xã hội. Không thể vận động nhân dân nếu mỗi cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện trước. Mặt khác, việc thực hiện có hiệu quả công tác dân vận với các mặt khác của công tác xây dựng Đảng là giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất đối với các hành vi chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân; các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Khi giảng dạy về nội dung này, giảng viên cần nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện đồng bộ công tác xây dựng Đảng; phê phán quan điểm coi nhẹ công tác dân vận; tách rời các mặt của công tác xây dựng Đảng; phê phán những hiện tượng cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong quá trình công tác ảnh hưởng đến hiệu quả công tác dân vận…
Thứ tư, trong giảng dạy, giảng viên cần lưu ý học viên: đặc biệt cần chú ý những thông tin đến từ mạng xã hội, mạng internet… đặc biệt là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc bản chất vấn đề nhằm chia rẽ đoàn kết trong nội bộ Đảng; chia rẽ Đảng và hệ thống chính trị; giữa hệ thống chính trị với đông đảo quần chúng nhân dân; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây đang là một trong những “trọng điểm đánh phá” mà các thế lực thù địch đang thực hiện hiện nay.
Để làm tốt công tác dân vận, bên cạnh việc xây dựng, biểu dương, tuyên truyền về những điển hình tích cực;cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương người tốt, việc tốt làm tốt, công tác vận động quần chúng nhân dân; công tác dân vận cần đặc biệt quan tâm đến công tác định hướng dư luận xã hội; định hướng cho nhân dân trước những tác động rất mạnh của các luồng thông tin không chính thống, phản ánh không đúng sự thật đang tràn lan trên những nền tảng thông tin hiện nay. Để làm tốt việc đó, mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải tự hình thành cho mình một “lưới lọc thông tin” để tiếp nhận những thông tin chính xác, trung thực. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải tuyên truyền những điển hình tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt… để góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội; định hướng dư luận quần chúng nhân dân hiểu đúng bản chất những hiện tượng tiêu cực trong xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; ủng hộ đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; có thái độ đúng đắn phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, đi ngược lại với sự phát triển chung của xã hội. Công tác dân vận của Đảng cần làm tốt việc xây dựng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội cùng với đấu tranh chống cái ác, cái xấu trong xã hội. Trong thời đại mà lượng thông tin đem đến cho xã hội ngày càng đa dạng, phong phú; nhu cầu của người tiếp nhận thông tin ngày càng cao thì vai trò của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cấp cơ sở trong việc định hướng thông tin vô cùng quan trọng. Bởi cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, trong khi đó, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế; nhận thức về tính chân thực của những thông tin trên mạng càng hạn chế. Điều đó, đặt ra yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng cho chính bản thân mình, người thân của mình; sau đó là làm tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận đối với quần chúng nhân dân. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng có ý nghĩa cấp bách cũng như lâu dài trong điều kiện hiện nay. Bởi vì các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thực hiện ý đồ chống phá một cách bài bản, thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn khá nhạy cảm, dễ hoang mang, dao động trước những luận điệu tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng và nhân dân hiện nay./.
Ths. Đặng Ngọc Bích
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.295
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.295, tr.238.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.285
Tin khác